CHƯƠNG I. NHỮNG BÍ MẬT VỀ TIỀN BẠC MÀ BẠN KHÔNG HỌC Ở NHÀ TRƯỜNG

Để tìm hiểu về khái niệm đồng tiền tích cực là gì? Trước tiên tôi sẽ chia sẻ cho bạn 2 bí mật lớn về tiền bạc mà bạn không học ở nhà trường.

Hai bí mật này chính là chìa khóa giúp bạn làm chủ tài chính và mở ra cánh cửa cuộc sống tự do của bạn. Chúng ta cùng bắt đầu nhé.

#1. Tôi có đang thực sự sở hữu những tài sản?

 

Để trả lời cho câu hỏi: Tôi có đang thực sự sở hữu những tài sản? 

Tôi sẽ chia sẻ cho bạn về hai khái niệm mới. Hai khái niệm này được coi là quan trọng bậc nhất trong xây dựng nền tảng tài chính cá nhân, hay nhiều người còn nhận xét, đây là khái niệm nền tảng cho sự giàu có. Đó là khái niệm TÀI SẢN và TIÊU SẢN.

Việc hiểu rõ về khái niệm TÀI SẢN và TIÊU SẢN là một nền tảng tư duy quan trọng để bạn có được những đồng tiền tích cực và xây dựng cuộc sống tự do của mình về sau.

#1.1. Tài sản và tiêu sản là gì?

 

“Người giàu kiếm được tài sản. Người nghèo và người trung lưu chỉ thu được tiêu sản, nhưng họ nghĩ rằng họ đã kiếm được tài sản.” – Robert T.Kiyosaki.

Khái niệm tài sản và tiêu sản lần đầu được tỷ phú Robert T.Kiyosaki nhắc đến trong bộ sách vô cùng nổi tiếng và giá trị của ông, bộ “Cha giàu cha nghèo – Rich dad, poor dad” cách đây hơn 20 năm về trước.

Bộ sách được đón nhận vô cùng nồng nhiệt và truyền cảm hứng cho hàng chục triệu người thực hiện giấc mơ tự do tài chính trên toàn thế giới bởi các nhận định thực tế và chính xác.

Vậy, chính xác thì tài sản và tiêu sản là gì?

Theo Robert T.Kiyosaki: “Tài sản bỏ tiền vào túi bạn, còn tiêu sản lấy tiền từ túi của bạn.”

Để hiểu hơn cho 2 khái niệm này, tôi muốn bạn quan sát thật kỹ 2 hình ảnh minh họa bên dưới đây. Sau đó, nói cho tôi biết: Theo bạn, đâu là hình ảnh thể hiện mô hình vòng quay của một TIÊU SẢN? và đâu là hình ảnh thể hiện mô hình vòng quay của một TÀI SẢN?

Keep and more
Hình 1. Mô hình vòng quay tài sản – tiêu sản

Bạn có câu trả lời của mình rồi chứ? Nếu chưa, hãy xem gợi ý ở dưới đây.

  • Tài sản: Là những thứ sinh thêm tiền cho bạn, bạn sẽ có thu nhập từ chúng. 

Ví dụ như: Tiền bản quyền tác giả, tiền lợi tức, bất động sản cho thuê, kênh Youtube kiếm ra tiền, Blog kiếm ra tiền,…

  • Tiêu sản: Là những thứ tiêu tiền của bạn, lấy đi một phần thu nhập của bạn. 

Ví dụ như: Xe máy sẽ lấy đi tiền của bạn để đổ nhiên liệu, bảo dưỡng hoặc sửa chữa, các khoản vay tín dụng, tiền vay ngân hàng…

Như vậy, bạn có thể dễ dàng tìm thấy đáp án cho câu hỏi: Đâu là mô hình vòng quay của tài sản và tiêu sản rồi phải không? 

Trả lời: Hình …………….. là mô hình vòng quay của tài sản, hình………….. là mô hình vòng quay của tiêu sản.

Đáp án ở hình minh họa dưới đây:

Keep and more
Hình 2. Mô hình vòng quay tiền mặt của một tài sản và tiêu sản

Như bạn thấy trên hình, tài sản sẽ tạo ra thêm thu nhập cho bạn còn tiêu sản sẽ tạo thêm chi phí.

Những điều xác định nên một tài sản không phải là từ ngữ mà là những con số.nếu bạn không biết đọc số thì bạn không thể xác định được một tài sản trong mớ “bòng bong” mà bạn đang sở hữu.

“Lý do chính gây ra những vật lộn tài chính đơn giản là vì người không biết được sự khác nhau giữa một tài sản và một tiêu sản” – Đây là bí mật đầu tiên về tiền bạc mà bạn cần biết để mở ra cánh cửa giàu có và cuộc sống trong mơ của mình.

Ví dụ minh họa về tài sản và tiêu sản

Tôi đã từng lầm tưởng giữa 2 khái niệm tài sản và tiêu sản bởi nghĩ rằng vai trò của một thứ đối với cuộc sống của chúng ta là yếu tố quyết định thứ đó là tài sản hay tiêu sản.

Sự thật hoàn toàn không phải vậy. Ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về điều đó.

Ví dụ 1. Chiếc xe máy

Ví dụ chiếc xe máy Vision, tôi đang đi suốt 4 năm vừa qua được mua với giá mua là 34 triệu.

Và để sử dụng được chiếc xe này, tôi cần đổ xăng cho nó. Trung bình 1 tháng tôi chi khoảng 300.000 đồng cho việc đổ xăng. Tức là trong 4 năm, số tiền xăng sẽ là khoảng 14,4 triệu.

Như vậy, chiếc xe lấy tiền từ ví của tôi ước tính khoảng 34 triệu + 14.4 triệu = 48.4 triệu. Số tiền này chưa tính tới chi phí bảo dưỡng, sửa chữa và rửa xe mà tôi từng chi.

Bây giờ, nếu tôi muốn bán đi để thu hồi vốn. Thì chiếc xe đầu đó sẽ với vào khoảng 10 triệu. Tại sao giá lại thấp đi như vậy? Chí phi mất đi từ một chiếc xe mới thành một chiếc xe đã qua sử dụng được gọi là chi phí khấu hao.

Vậy, số tiền tôi thực chi từ khi sở hữu chiếc xe đến khi bán đi sẽ là 48,4 triệu – 10 triệu = 38,4 triệu.

Tới đây bạn sẽ hỏi tôi rằng: Chiếc xe hằng ngày chở tôi đi làm, giúp tôi kiếm tiền, vậy thì vẫn phải tính là tài sản chứ?

Thắc mắc của bạn là hoàn toàn dễ hiểu, bởi tôi cũng từng có suy nghĩ như vậy. Tuy nhiên, việc xác định một thứ là tài sản hay tiêu sản không dựa vào tiện ích nó mang lại cho cuộc sống của bạn mà dựa vào bảng tính dòng tiền hiện hữu từ nó.

Và tôi có thể giải thích cho khoản tiền bạn chi ra để mua chiếc xe nhằm phục vụ việc đi làm, đi chơi, đi lại hằng ngày là một loại chi tiêu. Nó có thể giúp bạn giảm chi phí đi lại hằng ngày do phải thuê Grab nhưng không có nghĩa là nó KHÔNG LẤY TIỀN TỪ TÚI bạn.

Đổi lại, nếu bạn cho thuê chiếc xe máy đó, hằng ngày bạn nhận tiền từ người thuê xe. Sau khi trừ hết các chi phí, bạn vẫn thu về cho mình một khoản tiền dương. Khi đó chiếc xe máy chính là một tài sản.

Ví dụ 2. Blog kiếm tiền

Tôi có một blog chuyên viết bài về chủ đề sách, Hương Nguyễn Blog. Đây là Blog đầu tiên của tôi, được khởi tạo vào trước cả khi tôi quyết định nghỉ hẳn công việc cố định để làm việc tự do tại nhà.

Để có được blog, tôi cần chi tiền để mua tên miền và hosting với số tiền khoảng 2 triệu đồng. Sau hết một năm sử dụng đầu tiên, hằng năm tôi cần chi thêm số tiền khoảng 1,4 triệu đồng để duy trì tên miền và hosting của mình.

Sau gần 2 tháng làm việc miệt mài, xuất bản nhiều bài viết trên Hương Nguyễn Blog, tôi đã có thu nhập đầu tiên từ blog này, khi đó là khoảng 3 triệu. Từ tháng thứ 3 trở đi, blog mang về các thu nhập khác từ tiếp thị liên kết và từ khóa học excel của tôi, từ doanh nghiệp thuê viết bài.

Như vậy, sau 2 tháng, tôi đã thu hồi được vốn và dư ra một con số dương, từ tháng thứ 3 trở đi, số tiền tôi có được hoàn toàn được tính vào cột thu nhập của tôi.

Gần đây, tôi không thường xuyên viết bài trên blog này như trước nữa bởi tôi đang tập trung vào blog Phụ Nữ Tự Do và cuốn sách này, thế nhưng tôi vẫn nhận được thu nhập từ Hương Nguyễn Blog đều đặn mỗi tháng.

Từ đây, bạn có thể thấy được Hương Nguyễn Blog chính là một tài sản. Bởi dòng tiền mà blog này mang về cho tôi là dòng tiền dương. Hay nói cách khác, nó khiến tôi có thêm thu nhập.

Tóm lại

Tôi từng nghĩ rằng, tài sản là những thứ mình cần đầu tư nhiều tiền để sở hữu chúng, ví dụ như chiếc xe máy của tôi. Nhưng hóa ra suy nghĩ đó của tôi là sai lầm.

Một thứ được xác định là tài sản hay tiêu sản KHÔNG phụ thuộc vào giá thành ban đầu bạn cần bỏ ra để sở hữu chúng mà nó phụ thuộc vào bảng tính dòng tiền ra và vào từ tài sản hoặc tiêu sản đó.

Giống như chiếc xe máy của tôi vậy, nó vẫn là tiêu sản với chi phí sở hữu lên tới 34 triệu nhưng chiếc Hương Nguyễn Blog lại là tài sản, mặc dù chi phí ban đầu để sở hữu chỉ vỏn vẹn có 2 triệu.

Nếu bạn ngừng làm việc, TÀI SẢN sẽ cho bạn ăn, còn TIÊU SẢN sẽ ăn lại bạn.”

 

#1.2. Vòng quay tiền mặt của người giàu – người trung lưu – người nghèo

“Nếu bạn muốn trở nên giàu có, hãy mua tài sản. Nếu bạn muốn trở nên nghèo đi, hãy mua tiêu sản.” – Robert T.Kiyosaki

Để giúp bạn hiểu hơn về nhận định trên, hãy theo dõi vòng quay tiền mặt của 3 nhóm người sau đây. Thử trả lời xem: Hình ảnh nào mô phỏng đúng nhất hiện trạng tình hình tài chính của bạn?

Keep and more
Hình 3. Bạn thuộc nhóm người nào?

Trả lời: Hình ……………. mô tả đúng nhất hiện trạng tài chính của tôi.

  • Người nghèo: Họ kiếm tiền để chi trả cho các chi phí như: thuế thu nhập, ăn uống, tiền thuê nhà, đi lại, giải trí, các chi phí sinh hoạt khác…
  • Người trung lưu: Họ kiếm tiền về và chi trả cho các hóa đơn như: thẻ tín dụng, nhà trả góp, xe trả góp, giấy nợ… và từ những tiêu sản này chúng phát sinh thành các chi phí như: thuế, phí cố định, nợ, giải trí, thức ăn, đi lại, chi phí sinh hoạt khác…
  • Người giàu: Họ sở hữu bất động sản cho thuê, công việc kinh doanh, cổ phiếu, tài sản số, bản quyền tác giả…từ những tài sản này, chúng tạo ra thu nhập cho họ như: lợi tức cổ phiếu, tiền thuê nhà từ người thuê, tiền bản quyền,các thu nhập khác…Chúng ta có thể gọi họ là những người làm chủ tài chính.

Bây giờ, bạn đã có đáp án cho mình rồi chứ? Hiện tại bạn đang nằm trong nhóm người nào?

Trả lời: Tôi đang thuộc nhóm…………………………………

Đáp án dành cho bạn ở bên dưới:

Keep and more
Hình 4. Vòng quay tiền mặt của người nghèo – người trung lưu – người giàu

Nhìn vào vòng quay tiền mặt, dễ dàng có thể nhận ra để khiến tài chính cá nhân của bản thân được cải thiện, khiến bạn thoát khỏi những rắc rối tài chính, bạn cần thay đổi về hành vi chi tiêu của mình. Hãy bắt đầu tích tài sản thay vì mua tiêu sản sau mỗi kỳ lương của mình.

Vậy, tiền đến từ đâu? Chúng ta sẽ tìm câu trả lời đó sau khi bạn hoàn thành xong nhiệm vụ của mình nhé.

DÀNH CHO BẠN

 

Bài tập 1: Liệt kê toàn bộ những tài sản và tiêu sản mà bạn đang sở hữu vào bảng dưới đây. Sau đó, hãy so sánh độ dài của 2 cột, bạn thấy gì?

STT TÀI SẢN TIÊU SẢN

Bài tập 2. Liệt kê chính sách số tiền ra – vào của từng tài sản bạn đang sở hữu. Nếu chúng không tạo ra thu nhập dương (>0), điều đó đồng nghĩa bạn cần sửa lại bảng liệt kê ở bài tập số 1.

Tài sản Chi phí 

(Tiền ra)

Thu về 

(Tiền vào)

Thu nhập

= Tiền vào – Tiền ra

Câu hỏi bổ sung: Bạn chọn tương lai tài chính của mình giống như nhóm người nào trong 3 nhóm người ở trên (người nghèo – người trung lưu – người làm chủ tài chính)? Bỏ qua tất cả những ràng buộc hay suy nghĩ bạn có làm được không, hãy thành thật với chính mình. Bạn muốn là ai?

“Dạng thức cao nhất của sự giàu có đó là khả năng thức dậy vào mỗi sáng và nói: Tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn vào ngày hôm nay”Morgan Housel.

—————————————–

ĐỪNG CHUYỂN SANG NỘI DUNG MỚI NẾU BẠN CHƯA LÀM XONG BÀI TẬP VÀ CÂU HỎI Ở PHẦN NÀY NHÉ!

 

#2. Có những loại thu nhập nào?

 

Khi nhắc tới chủ đề này, tôi chợt nhớ về một kỷ niệm cách đây không lâu, khi tôi về nhà bà ngoại ở với bà trong thời gian ông ngoại tôi đi vắng.

Nấu cơm bếp củi…

Trưa hôm ấy, một cơn mưa rào bất chợt xối xuống hiên nhà bà ngoại. Từng chiếc lá như muốn gục rạp xuống đất bởi sức nặng của dòng nước mưa rơi ào ào từ trên trời xuống.

Nhà bà mất điện. Bà bảo mỗi lần mưa to ở đây đều cắt điện. Ơ quê, cơ sở hạ tầng không tốt, cộng thêm cây cối rậm rạp, vài chỗ cành tre còn vắt ngay dây điện. Bởi vậy, cắt điện là cách tốt nhất để đảm bảo mọi thứ nằm trong phạm vi an toàn.

Có lẽ bà đã quá quen với những gì diễn ra vào mỗi ngày mưa, tôi cũng có chút nhớ lại những ngày hồi nhỏ xíu mỗi lần về quê ngoại nghỉ hè. Nhưng thằng em lớp 9 to con có vẻ không dễ thích nghi với điều đó.

Mất điện, đồng nghĩa với mất mạng. Mất điện, đồng nghĩa với việc không thể nấu cơm bằng nồi điện. Phương án ở nhà bà ngoại dành cho những ngày mất điện chính là nấu cơm bếp củi.

Tôi không lạ lẫm với việc nấu cơm bếp củi, tuổi thơ vẽ lên mặt là vết nhọ trên ngang dọc trên trán và má. Nếu bạn sinh thời đầu 9x, 8x ở nông thôn thì chắc không lạ lẫm với những kỷ niệm tuổi thơ này.

Hoạt động nấu cơm bằng bếp củi đơn giản sẽ diễn ra từ việc nhóm bếp, thêm củi liên tục rồi kết thúc bằng việc rút hết củi ra và dập bếp đi. Than hồng vẫn nóng trong một thời gian đủ để chín toàn bộ cơm trong nồi. Nếu không, bạn cần tìm cách mà xoay sở.

Hoạt động này giống hoàn toàn công việc “làm công ăn lương” mà tôi từng trải qua suốt 5 năm trước khi ở nhà làm công việc viết lách toàn thời gian như hiện nay.

Đầu tiên là hoạt động chọn củi, chọn mồi nhóm bếp, nó giống như hoạt động “show” những kỹ năng sẵn có hoặc giả vờ như mình có trên CV cho nhà tuyển dụng, để có thể qua vòng gửi xe, rồi đến vòng phỏng vấn. Những ngày đầu nhận việc đi làm trong 2 tháng thử việc, bạn sẽ giống như người đun bếp, châm lên ngọn lửa mồi để từ từ cho ngọn lửa đó bén vào những thanh củi (tài nguyên của bạn). Thanh củi nào thể hiện tốt vai trò tạo lửa, bạn sẽ giữ lại, thanh củi nào ướt không tạo được lửa, bạn sẽ gác nó sang một bên, chờ ngày dùng được.

Mỗi ngày đi làm, bạn phải làm tốt vai trò của người nấu bếp củi, duy trì ngọn lửa đều đặn, đủ lớn để đảm bảo cơm trong nồi  được nấu chín. Để duy trì được ngọn lửa này, bạn không thể ngừng làm việc, tức là bạn liên tục phải thêm củi, đẩy củi vào chính giữa bếp, chụm chúng lại thành một khối để hợp thành ngọn lửa đủ lớn. Nó giống như việc bạn phải chọn ra những kỹ năng phù hợp với công việc hoặc học thêm những kỹ năng mới để đáp ứng được công việc được yêu cầu mỗi ngày một cao.

Nếu bạn ngừng thêm củi, hoặc ngừng việc đẩy củi sâu vào trong bếp, ngọn lửa cứ thế sẽ yếu dần rồi tắt hẳn.

Khi bạn chọn công việc “làm công ăn lương” thì bạn ngày ngày cần dùng tới tài nguyên của mình (thời gian, trí tuệ, sức lực, kỹ năng, kiến thức, mối quan hệ…) của mình. Chỉ cần bạn lơ là, ngừng nghỉ, ngọn lửa kia sẽ yếu dần hoặc tắt đi, nó cũng giống như thu nhập từ công việc này sẽ bị ngưng trệ lại. 

Nếu bạn lỡ để cho bếp tắt hẳn, bạn phải quay lại bước đầu tiên, chọn củi, nhóm bếp và đun lửa.

Đây chính là công việc mà tôi từng làm và có thể  bạn cũng đang làm. Thật ra một công việc đòi hỏi sự bền bỉ, liên tục, không ngừng này rất thú vị. Có thể nó sẽ khiến bạn bận tới nỗi chẳng có thời gian để lo lắng, buồn phiền, cũng không cần bận tâm tới nắng mưa, đèn điện. Đôi khi bạn cũng có thể làm nó theo quán tính, không cần quá nhiều sự tập trung, nếu như bạn không cần một ngọn lửa bùng rực bất ngờ. Cứ đều đều, ngày qua ngày, đến kỳ ta lại lãnh lương. Ổn định, êm đềm, tương đối an toàn và dễ chịu.

Nhưng bù lại, bạn cũng liên tục ở cạnh cái bếp đó, túc trực ở đó để đảm bảo ngọn lửa kia được duy trì. Bạn gần như bị bó hạn về không gian và thời gian, nếu bạn muốn rời khỏi đó, chắc chắn bạn cũng không thể đi quá lâu, hoặc cũng phải có người đồng ý hỗ trợ bạn trong thời gian bạn vắng mặt.

Thu nhập đến từ hoạt động giống như trên theo như Tỷ phú Robert T.Kiyosaki định nghĩa thì nó được gọi là THU NHẬP KIẾM ĐƯỢC.

Hầu hết chúng ta được dạy dỗ để tìm kiếm một khoản thu nhập cao từ loại thu nhập kiếm được này. Nhưng chúng ta lại không được gia đình và nhà trường cung cấp và chỉ dạy những kiến thức, kỹ năng và thông tin liên quan tới hai loại thu nhập đầy hấp dẫn khác. Loại thu nhập mà có thể mang lại sự thịnh vượng tài chính, cũng có thể xóa bỏ những nhược điểm mà thu nhập kiếm được không giải quyết được. Đây chính là bí mật về tiền bạc mà bạn không học ở nhà trường.

Bạn có tò mò về 2 loại thu nhập này không? Chúng ta sẽ cùng nhau giải mã chúng nhé!

Có 3 loại thu nhập khác nhau mà bạn có thể có được.

  1. Thu nhập kiếm được (thu nhập từ sức lao động): thu nhập từ việc bỏ ra sức lực, thời gian, chuyên môn, kỹ năng… để đổi lại. Nói đơn giản loại thu nhập này có được do việc làm hoặc một hình thức lao động. Và nếu bạn ngừng làm việc thì trong hầu hết trường hợp, nguồn thu nhập kiếm được của bạn cũng không còn. Bởi vậy, khi ai đó nói với bạn: “Hãy kiếm một công việc tốt”, nghĩa là họ đang khuyên bạn sở hữu nguồn thu nhập này.
  2. Thu nhập từ danh mục đầu tư: Lợi tức từ các khoản đầu tư hoặc mua các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ. Nói đơn giản thu nhập từ hoạt động đầu tư chứng khoán, khiến tiền làm việc để mang về thêm nhiều tiền hơn cho bạn.
  3. Thu nhập thụ động: Thu nhập đến bất động sản cho thuê, bản quyền tác giả, độc quyền thương hiệu, mạng lưới bán hàng…Thu nhập này có thể kiếm được ngay cả khi bạn không cần động chân động tay vào nữa. Nó giống như quả ngọt từ cái cây bạn đã bỏ công vun trồng từ trong quá khứ vậy.

Để mô tả kỹ hơn về sự lợi hại của những thu nhập này, chúng ta sẽ điểm qua một số ưu và nhược điểm của từng loại thu nhập nhé.

#1.1. Thu nhập kiếm được

 

Như trong ví dụ “Nấu cơm bếp củi” ở trên, thu nhập kiếm được giống như hoạt động đun bếp củi vây. Củi cháy tới đâu, lửa to tới đó. Nghĩa là bạn làm đến đâu, bạn hưởng tới đó.

Ưu điểm

Ưu điểm lớn nhất của thu nhập kiếm được là thời gian thu tiền về túi bạn rất nhanh. Thông thường bạn sẽ được trả theo tháng, quý, thậm chí theo tuần, ngày hoặc giờ.

Nhược điểm

Nhược điểm thứ nhất đó là chỉ khi bạn làm việc thì mới nhận được tiền, điều này đòi hỏi bạn phải làm việc liên tục, thường sẽ bị ràng buộc về mặt thời gian, địa điểm, công cụ… Sức người thì luôn có hạn. Bởi vậy thu nhập từ loại thu nhập kiếm được cũng có sự giới hạn nhất định.

Nhược điểm thứ hai là những biến động do lạm phát, thị trường lao động hoặc tình hình kinh doanh của đơn vị thuê bạn làm việc. Sẽ rất rủi ro nếu như bạn bất ngờ bị cho nghỉ việc hoặc công việc bị gián đoạn trong thời gian dài. Chưa kể tính lạc hậu của công việc khi kinh tế xã hội không ngừng biến đổi.

Nhược điểm thứ 3 là khoản thu nhập này sẽ bị đánh thuế thu nhập rất cao, thu nhập càng cao thì thuế suất càng cao. Bạn có thể tham khảo thuế suất dưới bảng sau đây:

Bậc Thu nhập tính thuế/ tháng (A) Thuế suất
1 Từ 5 triệu đồng trở xuống 5%
2 Trên 5 triệu đến 10 triệu đồng 10%
3 Trên 10 triệu đến 18 triệu động 18%
4 Trên 18 triệu đến 32 triệu đồng 20%
5 Trên 32 triệu đến 52 triệu đồng 25%
6 Trên 52 triệu đến 80 triệu đồng 30%
7 Trên 80 triệu đồng 35%

Ghi chú: Số liệu được cập nhật từ trang thuvienphapluat.vn tính tới ngày 3/8/2022

Chúng ta có thể giàu có bằng thu nhập kiếm được không?

Có. Tất nhiên rồi.

Để trở thành người làm chủ tài chính với thu nhập kiếm được, bạn cần gì? Hay nói cách khác, để sở hữu mô hình vòng quay tiền mặt của người làm chủ tài chính, bạn cần gì?

  • Trở thành người làm thuê được trả lương cao: Khi đó, năng lực chuyên môn, kỹ năng công việc và kỹ năng xã hội của bạn phải xuất sắc. Các ông chủ sẵn sàng chi ra những số tiền lớn cho những người là “ngôi sao” trong ngành, có khả năng làm giàu cho họ. Bởi vậy, để giàu có được thu nhập với hình thức thu nhập kiếm được này bạn cần trở thành một người làm thuê chuyên nghiệp.
  • Chi nhỏ hơn thu: Thường thu nhập tăng lên, chi tiêu của bạn cũng sẽ tăng theo, thậm chí tăng với biên độ lớn hơn thu nhập rất nhiều. Nếu không giữ được sự cân bằng giữa thu và chi, rất có thể bạn sẽ vướng vào nợ xấu bở sự cám dỗ của những khoản chi lãng phí.
  • Thiết lập quỹ an toàn tài chính hoặc độc lập tài chính cho mình: Đây chính là khoản tiền giúp bạn có thể an tâm thực hiện kế hoạch nghỉ hưu sớm của mình. Đồng thời, khi có sẵn khoản tiền này, cơ hội để bạn tiến đến tự do tài chính sẽ thật sự tăng lên.
  • Chi tiền nhiều hơn cho tài sản, thay vì cho tiêu sản: Khi đó bạn sẽ có thêm thu nhập từ các tài sản, đó sẽ là thu nhập từ danh mục đầu tư hoặc thu nhập thụ động. Nghĩa là chuyển đổi thu nhập kiếm được thành thu nhập đầu tư hoặc thụ động.

#1.2. Thu nhập từ danh mục đầu tư

 

Thu nhập từ đầu tư có thể hình dung qua câu nói rất nổi tiếng như thế này của tỷ phú Warren Buffett: “Nếu bạn không sẵn sàng sở hữu một cổ phiếu trong mười năm, thì đừng nghĩ đến việc sở hữu nó trong mười phút.”

Nhiều người lầm tưởng, việc đầu tư trên thị trường chứng khoán là hoạt động mua đi bán lại liên tục trên thị trường và hưởng thu nhập từ khoản chênh lệch giá mua và bán. Nếu thật sự thu nhập kiếm được từ hoạt động như trên thì đó là cách mà thu nhập kiếm được đang hoạt động, nó không được gọi là thu nhập đầu tư.

Bản chất của thị trường chứng khoán sinh ra là để doanh nghiệp huy động vốn từ bên ngoài nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nhà đầu tư có thể thực hiện việc góp vốn của mình vào công ty dưới hình thức mua cổ phiếu hoặc trái phiếu doanh nghiệp. Từ hoạt động góp vốn từ việc mua cổ phiếu, nhà đầu tư được gọi là cổ đông của công ty, bởi vậy khi doanh nghiệp làm ăn phát đạt, các cổ đông sẽ được chia lợi nhuận tương đương với số cổ phiếu đang nắm giữ.

Thông thường, một doanh nghiệp sẽ trải qua vòng đời như sau: Hình thành, phát triển, hưng thịnh và suy tàn. Thời gian hưng thịnh có thể dài hoặc ngắn tùy thuộc vào việc công ty có những chiến lược tốt nhằm kéo dài thời gian hưng thịnh hay không. Ví dụ như doanh nghiệp tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới, sản phẩm kinh doanh mới để tái tạo và kéo dài hưng thịnh, nếu không công ty sẽ đi đến bờ vực suy tàn.

Bởi thế, nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn tìm cách nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp trong thời điểm doanh nghiệp mới đang phát triển để có được mức giá tốt. Để đến khi công ty tiến tới giai đoạn hưng thịnh thì họ đã có thể ung dung hưởng thành quả sau nhiều năm chờ đợi và vun đắp. Lợi nhuận mà nhà đầu tư thu về có thể tăng gấp nhiều lần so với số vốn bỏ ra ban đầu. 

Để giúp bạn hình dung rõ hơn về sức mạnh to lớn trong việc khiến tiền đẻ ra tiền đến từ loại thu nhập này.

Ví dụ, năm 2022 bạn mua 1000 cổ phiếu giá trị là 10.000 đồng/ cổ phiếu của công ty A. Hằng năm, khi công ty có lãi sẽ chia lại cổ tức cho các cổ động theo tỷ lệ cổ phần mà họ nắm giữ. Giả sử, trong 10 năm chia cổ tức của công ty, lợi nhuận hằng năm đạt 10% và bạn không lấy tiền mặt về mà yêu cầu công ty quy đổi thành cổ phiếu để tiếp tục tái đầu tư. Bây giờ ta thử xem sau 10 năm biến động, bạn sẽ sở hữu giá trị tài sản là bao nhiêu nhé.

Năm Số cổ phiếu đầu kỳ Tỷ lệ lợi nhuận Quy đổi cổ tức thành cổ phiếu
2022 1000 10% 100
2023 1100 10% 110
2024 1210 10% 121
2025 1331 10% 133,1
2026 1464,1 10% 146,41
2027 1610,51 10% 161,051
2028 1771,56 10% 177,16
2029 1948,72 10% 194,87
2030 2143,6 10% 214,36
2031 2357,96 10% 235,8

Nhìn vào bảng ở trên, bạn có thể hình dung cách tiền đẻ ra tiền từ thu nhập đầu tư cổ phiếu được áp dụng theo cấp số nhân. Lãi năm trước gộp gốc tạo gốc năm mới. Đây chỉ là ví dụ được lấy tương đối, tôi chưa xét tới trường hợp bạn có thể mua cổ phiếu tại thời điểm công ty đang trên đà phát triển và bạn mua thêm cổ phiếu ở mỗi năm. Con số lợi nhuận khi đó có thể sẽ không phải 10% mà có thể là 100%, 200% thậm chí hơn. Ví dụ sau 10 năm, bạn có thể ngưng tái đầu tư mà hàng năm nhận cổ tức về để sử dụng cho cuộc sống hoặc đầu tư cho một tài sản khác. Thu nhập đó chính là thu nhập đến từ danh mục đầu tư mà chúng ta đề cập ở trên, khi đó bạn không cần làm thêm bất cứ gì mà khoản lợi tức này vẫn đều đặn chảy về túi của bạn.

Chúng ta gọi trạng thái này là tiền đẻ ra tiền. Và nó xuất hiện nhờ vào việc tận dụng sức mạnh của lãi suất kép.

Cũng bởi những yếu tố trên mà thu nhập đến từ danh mục đầu tư mang những ưu điểm rất lớn cho sự thịnh vượng tài chính, đồng thời cũng tiềm ẩn những rủi ro đi kèm với nó.

Ưu điểm

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập đầu tư là 5%, khá thấp và dễ chịu. Thuế suất không biến động theo sự thay đổi lớn nhỏ của thu nhập đầu tư. Ưu thế này vượt trội hơn hẳn với thuế thu nhập đánh trên thu nhập kiếm được.

Nguồn thu nhập từ danh mục đầu tư sẽ không bị giới hạn về nguồn lực như sức người, thời gian, không gian,… Tiền của bạn có thể đang làm việc ngay cả khi bạn đang ngủ.

Thu nhập từ danh mục đầu tư sẽ khiến bạn trở nên giàu có và làm chủ tài chính sau một thời gian đủ lâu để tạo ra nguồn thu nhập đều đặn.

Đầu tư tiền sẽ tránh được rủi ro đồng tiền trượt giá do lạm phát và biến động thị trường.

Nhược điểm

Nhược điểm đầu tiên phải kể đến từ nguồn thu nhập loại này là lợi nhuận cao đi cùng với rủi ro cao. Nếu không có năng lực phân tích và đánh giá hạng mục đầu tư, rất có thể bạn sẽ không thể thu hồi vốn thậm chí là lỗ vốn nếu vướng phải khoản đầu tư xấu.

Như đã đề cập ở trên, thời gian thu hồi vốn lâu, cần kiên nhẫn trong thời gian dài, có thể lên tới đơn vị năm.

Ngoài ra, thị trường đầu tư có rất nhiều biến động, nếu không am hiểu thật sự hoặc chạy theo đám đông, rất có thể bạn sẽ gặp khủng hoảng trước những đợt sóng biến động lớn của thị trường.

Làm sao để giàu có với thu nhập từ danh mục đầu tư?

Khi bạn nắm giữ những mã cổ phiếu tốt, nó giống như bạn nắm giữ được những tài sản vậy. Thu nhập này có thể mang tới cho bạn lợi nhuận vô cùng tốt nếu như bạn trang bị cho mình những tư duy cần thiết.

  • Hiểu được đầu tư là dài hạn (5 – 10 năm hoặc có thể lâu hơn).
  • Có năng lực phân tích và đánh giá doanh nghiệp tiềm năng.
  • Hiểu rõ khái niệm tài sản – tiêu sản.
  • Am hiểu luật pháp và có kiến thức tài chính.
  • Sẵn sàng nguồn lực tài chính để đầu tư.
  • Có chiến lược đầu tư rõ ràng
  • Kiên nhẫn. Đầu tư không phù hợp với những người mong muốn giàu nhanh.

#1.3. Thu nhập thụ động

 

Thu nhập thụ động là khoản thu từ nguồn lực có sẵn, hay nói đúng hơn là nguồn lực đã được tạo dựng trong quá khứ để đến hiện tại bạn không cần làm việc hay đầu tư gì thêm thì nguồn thu nhập này vẫn về một cách đều đặn.

Một câu chuyện rất thú vị mà tôi đọc được trong cuốn sách Dạy con làm giàu tập 2 của Robert T.Kiyosaki, câu chuyện đã khiến tôi thay đổi cách nhìn về tiền bạc và cuộc sống. Câu chuyện này cũng mô tả rất tốt về thu nhập thụ động giúp bạn hiểu hơn về sức mạnh tiềm ẩn mà thu nhập thụ động mang lại.

“Ngày xưa có một ngôi làng nhỏ bé đáng yêu. Ngôi làng ấy là một chỗ ở thật tuyệt vời nhưng tiếc thay lại gặp một vấn đề nghiêm trọng. Khi trời không mưa, làng chẳng có một tí nước nào. Nhằm giải quyết vấn đề, các già làng quyết định gọi nhà thầu để cung cấp nguồn nước hàng ngày cho dân làng. Có hai nhân vật đứng ra nhận thầu và các già làng đều nhận ký hợp đồng với cả hai. Họ cho rằng một sự cạnh tranh nho nhỏ giữa hai bên có thể làm giá cả giảm xuống, lại đảm bảo có đủ nước dự trữ cho làng.

Người thứ nhất tên Ed, lập tức lên chợ mua hai thùng thiếc mạ kẽm và ngược xuôi chở nước từ hồ vào làng cách đó khoảng 1 dặm. Với hai thùng nước, anh ta làm việc từ sáng sớm đến chiều tối và nhanh chóng kiếm ra tiền. Ed đổ nước trong thùng vào bể chứa nước đúc bê tông to đùng trong làng. Cứ mỗi buổi sáng, anh ta là người thức dậy trước nhất để đảm bảo lượng nước đủ dùng cho cả làng. Công việc thật cực nhọc, nhưng anh ta cảm thấy rất hạnh phúc khi làm ra tiền và đã thắng hợp đồng của làng.

Người nhận thầu thứ hai tên là Bill biến đi mất một dạo. Cả làng không nhìn thấy anh ta trong nhiều tháng, và điều đó làm cho Ed rất sung sướng vì không có cạnh tranh nên anh ta kiếm được rất nhiều tiền.

Thay vì đi mua hai thùng nước cạnh tranh với Ed, Bill phác thảo một kế hoạch kinh doanh, thành lập công ty, tìm thêm bốn đối tác đầu tư, thuê một giám đốc quán xuyến công việc và trở về với một nhóm thợ xây sau sáu tháng biết tăm. Trong vòng một năm, nhóm thợ của Bill hoàn tất công trình lắp đặt một đường ống dẫn nước bằng inox từ hồ vào thẳng trong làng.

Vào buổi khai trương, Bill trịnh trọng tuyên bố nguồn nước cung cấp của mình sách hơn Ed. Trước đó, Bill đã nghe thấy nhiều phàn nàn của dân làng về bụi cặn trong nguồn nước do Ed cung cấp. Bill còn tuyên bố sẽ cung cấp nước liên tục suốt 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Trong khi đó, Ed chỉ cung cấp nước vào ngày trong tuần. Tiếp theo, Bill tuyên bố chỉ lấy giá bằng 75% giá của Ed mà nguồn nước sạch hơn, có đều đặn hơn. Cả làng hoan hô Bill và ùn ùn xếp hàng trước đường ống do Bill xây dựng.

Để cạnh tranh, Ed lập tức hạ giá xuống còn 75% so với giá trước đây, mua thêm hai thùng nước có nắp đậy, rồi bắt đầu tăng công suất lên bốn thùng cho mỗi chuyến đi.

Nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn, anh ta mướn hai người con của mình phụ giúp làm ca đêm và vào những ngày nghỉ cuối tuần. Khi hai đứa con lên tỉnh nhập học, anh nói với chúng, “Các con hãy nhanh chóng quay về vì sự nghiệp kinh doanh này sẽ thuộc về các con.”

Vì một lý do nào đó, hai người con của Ed sau khi tốt nghiệp đại học không chịu trở về làng. Anh ta cuối cùng phải thuê mướn nhân công và từ đó bắt đầu gặp rắc rối với vấn đề liên đoàn lao động. Liên đoàn đòi tăng lương, chu cấp thêm phúc lợi và yêu sách mỗi nhân công chỉ xách mỗi lần một thùng nước mà thôi.

Trong khi đó, Bill ý thức rằng một khi ngôi làng này cần nước thì các làng khác cũng phải có nhu cầu thiết yếu đó. Thế là anh ta phác thảo tiếp kế hoạch kinh doanh của mình, đi khắp nơi trong vùng xây dựng hệ thống cấp nước nhanh chóng, số lượng lớn, chi phí thấp và chất lượng cho mọi ngôi làng. Anh ta chỉ kiếm có 1 xu cho mỗi thùng nước, thế nhưng anh ta lại cung cấp hàng tỉ thùng nước mỗi ngày. Cho dù anh ta có làm việc hay không, hàng tỉ thùng nước vẫn được tiêu dùng, và tất cả số tiền kiếm được đó đều chảy vào tài khoản ngân hàng của Bill. Bill đã phát kiến một đường ống không chỉ dẫn nước cho mọi làng mà còn dẫn tiền chảy vào túi của mình.

Bill sống hoàn toàn hạnh phúc sau đó, trong khi Ed phải làm việc cực nhọc suốt cả đời mà vẫn lận đận tiền bạc.”

Từ câu chuyện trên, có thể thấy Ed đã chọn cách làm việc cật lực để có được thu nhập, anh ta đã chọn thu nhập kiếm được là nguồn thu của mình.

Ngược lại, Bill có được nguồn thu nhập thụ động sau khi thực hiện kế hoạch dẫn nước về làng, Bill đã mất 1 năm 6 tháng để tạo nên dòng chảy thu nhập đều đặn cho mình. Trong 1 năm 6 tháng, Bill không hề nhận được bất cứ khoản thu nhập nào từ bản kế hoạch, thậm chí phải kêu gọi nhà đầu tư rót vốn vào đó. Nhưng Bill đã xây dựng lên một hệ thống kiếm tiền ngay cả khi anh ta không làm việc.

Từ câu chuyện trên, dễ dàng có thể nhìn thấy được những ưu và nhược điểm nổi bật từ thu nhập thụ động rồi phải không? Chúng ta cùng điểm lại nhé.

Ưu điểm

Thu nhập thụ động mang đến sự tự do cho người sở hữu nó. Họ không cần bị ràng buộc về thời gian, không gian và công sức khi đã có thu nhập này về túi.

Thu nhập thụ động sẽ đều đặn gửi về tài khoản của bạn ngay cả khi bạn đang nằm ngủ.

Thu nhập thụ động mang đến thịnh vượng tài chính, thậm chí là tự do tài chính.

Nguồn lực đầu tư cho dòng thu nhập này gần như chỉ làm một lần trong một khoảng thời gian nhất định và bạn có thể sẽ hưởng trọn đời, bạn không cần làm liên tục như thu nhập kiếm được.

Nhược điểm

Để có được nguồn thu nhập này, ở thời gian đầu bạn cần tập trung đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ rất lớn, thậm chí là số vốn lớn để tạo nên được tài sản mang đến thu nhập thụ động đến cho bạn.

Bạn cần tích lũy tài sản lâu dài và kiên nhẫn với tài sản đó rất lâu, đôi lúc có thể sẽ khiến bạn nản lòng và bỏ cuộc.

Để giàu có với thu nhập thụ động?

  • Tìm hiểu và lựa chọn kênh đầu tư phù hợp với bản thân. Ví dụ: Blog, Youtube, bất động sản …
  • Tạo ra sản phẩm giá trị, hữu ích với nhiều người. Ví dụ: Khóa học, bài viết, video, ứng dụng công nghệ, giải pháp tiện ích, dịch vụ cho thuê nhà ở…
  • Đầu tư thời gian, công sức và nâng cao năng lực bản thân.
  • Quyết tâm và bền bỉ với sự lựa chọn của mình.
  • Cần có nguồn tài chính đảm bảo nuôi sống bản thân trong thời gian đủ dài để bộ máy tạo thu nhập thụ động đi vào hoạt động.

#1.4. Lựa chọn của bạn?

 

Từ những phân tích về 3 loại thu nhập trên, bạn có thể nhận thấy rằng để được làm chủ tài chính và có được cuộc sống tự do, bạn cần tìm cách chuyển thu nhập kiếm được về thu nhập thụ động hoặc thu nhập từ danh mục đầu tư. Đây chính là bí mật số 2 về tiền bạc mà bạn cần phải biết để có được sự giàu có và mở ra cánh cửa cuộc sống mơ ước dành riêng cho mình.

Giống như Tỷ phú Warren Buffett từng chia sẻ: “Nếu bạn không biết cách kiếm được tiền ngay cả lúc đang ngủ, bạn sẽ phải làm việc đến khi chết.”

Bây giờ là nhiệm vụ của bạn.

DÀNH CHO BẠN

 

Bài tập 3. Viết ra những thu nhập mà bạn đang sở hữu hiện tại? Phân loại chúng vào 3 loại thu nhập: Thu nhập kiếm được – Thu nhập đầu tư – Thu nhập thụ động.

Hãy tự hỏi chính mình, bạn muốn 10 năm nữa, thu nhập chủ yếu của bạn nhận được từ nguồn thu nhập loại nào?

Câu hỏi bổ sung: Bạn muốn mình giống như nhân vật Ed hay Bill trong câu chuyện ở trên? 

—————————————–

ĐỪNG CHUYỂN SANG NỘI DUNG MỚI NẾU BẠN CHƯA LÀM XONG BÀI TẬP VÀ CÂU HỎI Ở PHẦN NÀY NHÉ!