#2. Quản lý tài chính cá nhân là gì?

Để tìm hiểu về khái niệm quản lý tài chính cá nhân là gì? ta sẽ tìm hiểu trước cụm từ “tài chính cá nhân” là gì? trước.

“Tài chính cá nhân bao gồm tất cả những khía cạnh liên quan đến tiền: kiếm tiền, tiết kiệm tiền, sử dụng tiền, bảo vệ tiền, đầu tư tiền. Tất cả nhằm đạt mục tiêu tài chính của cá nhân, gia đình.” – Trích sách “Tài chính cá nhân dành cho người Việt Nam” – tác giả Lâm Minh Chánh.

Như vậy, có thể hiểu Quản lý tài chính cá nhân là quản lý các hoạt động liên quan tới tiền: kiếm tiền – tiết kiệm tiền – sử dụng tiền – bảo vệ tiền – đầu tư tiền.

Ở cuốn sách này, chúng ta sẽ tập trung vào 3 hoạt động: Tiết kiệm tiền – Sử dụng tiền – Bảo vệ tiền. Bạn sẽ bắt đầu hình thành những tư duy đúng về tiền và sử dụng tiền, sau đó thiết lập thói quen tiết kiệm và bảo vệ tiền của mình.

Vậy, kiếm tiền và đầu tư tiền thì sao? 

Tôi sẽ nhắc về nó đủ để bạn có được hình dung xuyên suốt trong hành trình quản lý tài chính của mình, nhưng để đào sâu và hướng dẫn bạn từng bước, tôi nghĩ trong khuôn khổ cuốn sách này là chưa cần thiết. Bởi bạn cần tập trung xây dựng nền tảng tư duy đúng về tiền và thói quen “hành xử” với tiền bạc thật vững chắc. 

Sau đó, tôi hứa bạn sẽ có những hướng dẫn chi tiết về kiếm tiền và đầu tư tiền ở cuốn sách tiếp theo của tôi.

Tại sao Quản lý tài chính cá nhân lại quan trọng?

Khi tôi kể cho bạn nghe về hành trình đến với quản lý tài chính cá nhân, tôi muốn gửi đến bạn một thông điệp. Nếu bạn muốn thay đổi cuộc sống của mình, việc đầu tiên bạn cần làm là thay đổi cách quản lý tiền bạc của bạn.

Quản lý tài chính cá nhân sẽ đặc biệt quan trọng để giúp bạn tiến tới mục tiêu tài chính của mình cũng như theo đuổi cuộc sống tự do mà bạn hằng mơ ước.

7 điều mà quản lý tài chính cá nhân đã thay đổi toàn bộ cuộc sống của tôi theo một cách tích cực hơn. Và đây cũng chính là 7 lý do bạn nên nghiêm túc với việc quản lý tài chính cá nhân của mình:

  1. Rèn luyện được thói quen có trách nhiệm với việc quản lý tài chính cá nhân
  2. Sống có kỷ luật với kế hoạch tài chính của bản thân
  3. Trân trọng những gì mình có, sống với hiện tại và hướng về tương lai
  4. Nâng cao chỉ số thông minh về tài chính cá nhân
  5. Cắt bỏ những chi tiêu lãng phí từ đó cắt bỏ những thói quen xấu, những mối quan hệ độc hại bên đời.
  6. Tạo động lực trong cuộc sống và công việc, có nhiều động lực để lao động và phát triển bản thân nhằm nâng cao thu nhập
  7. Chất lượng cuộc sống được nâng cao bởi những thói quen lành mạnh và tư duy tiến tới mục tiêu tài chính rõ ràng.

Và bây giờ, tôi tin bạn đã sẵn sàng đến với chương đầu tiên trong cuộc sách này – NHỮNG ĐỒNG TIỀN TÍCH CỰC.