#1. Câu chuyện của tôi

Chào bạn!

Tôi là Hương Nguyễn, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thu Hương – người đứng sau blog Phụ Nữ Tự Do.

Tôi có mặt ở đây bởi tôi biết, bạn đang tìm kiếm ý tưởng, giải pháp và cảm hứng cho cuộc sống tự do, độc lập của mình cụ thể là những vấn đề liên quan tới quản lý tài chính cá nhân dành cho phụ nữ độc thân. Và tôi sẽ giúp bạn tìm thấy những điều đó ngay trong cuốn sách này.

Hương Nguyễn
Hương Nguyễn – Phụ Nữ Tự Do

Có thể bạn ở đây bởi bạn đang gặp rắc rối tài chính nào đó hoặc bạn loay hoay với việc quản lý tài chính cá nhân của mình làm sao cho thật hiệu quả và khoa học. 

Có thể bạn ở đây bởi bạn muốn kiến thiết lại cuộc sống của mình trở nên chủ động và hạnh phúc hơn. 

Và cũng không loại trừ khả năng, bạn ở đây đơn giản để tìm hiểu xem quản lý tài chính cá nhân là cái quái gì mà ai ai cũng nói cần phải HỌC.

Tôi đã từng giống như bạn! Tôi đã từng gặp những rắc rối tài chính. Tôi từng chẳng hiểu tại sao người ta cứ quảng cáo rầm rộ những khóa học, cuốn sách, workshop về quản lý tài chính cá nhân. Tôi từng có một cuộc sống rối tung, rối mù với những thói quen độc hại, mối quan hệ độc hại nhưng thể cắt bỏ bởi không biết làm sao để làm được điều đó.

Nhưng rồi tôi cũng dần thức tỉnh chính mình khi lần lượt “đón tiếp” các sự kiện bất ngờ xảy đến bên đời. Sau mỗi một lần xuất hiện, chúng đều nhắc tôi hãy xem lại việc quản lý tài chính cá nhân của mình đi. Đây quả thật là nỗi đau của tôi, bởi khi ấy, tôi đâu có biết quản lý tài chính cá nhân là cái quái gì đâu!

Cách đây hơn 5 năm về trước, có thể dùng 3 chữ để mô tả về tôi khi ấy: “KHÔNG” TÀI CHÍNH. Tại sao tôi đặt từ KHÔNG ở trong ngoặc kép? Đây chắc chắn có một dụng ý riêng.

Cụm từ “KHÔNG” TÀI CHÍNH đại diện cho rất nhiều điều ở giai đoạn đó đối với tôi.

  • Không có tiền, đúng hơn là làm tới đâu tiêu sạch tới đó.
  • Không hiểu gì về tiền.
  • Không biết muốn gì ở tiền.
  • Không quản lý tiền.
  • Không biết vai trò của tiền đối với cuộc sống và lý tưởng của mình.

Nếu bạn có theo dõi tôi trên Blog Phụ Nữ Tự Do, có thể bạn sẽ biết về câu chuyện tôi từng nhập viện trong tình trạng dị ứng toàn thân và chiến đấu với tình trạng dị ứng đó suốt 3 tháng trời. Sự kiện đó là dấu mốc đầu tiên giúp tôi nhận ra tình trạng “KHÔNG” TÀI CHÍNH của mình.

Khi ấy, tôi làm việc cho một công ty rất lớn trong ngành F&B (Food and Beverage – Dịch vụ thực phẩm) với mức lương khởi điểm hơn 8 triệu, đây có thể là một mức lương khá cao so với bạn bè đồng trang lứa mới ra trường lại thời điểm đó. 

Công việc chính của tôi là đào tạo và chuyển giao quy trình đến các nhà hàng mới mở của công ty ở các tỉnh phía Bắc ngoài Hà Nội. Đặc điểm công việc phải đi công tác thường xuyên, gặp gỡ và giao lưu với rất nhiều người. Tôi khá hài lòng với công việc của mình lúc bây giờ bởi khi đó tôi nhận được mức lương khá tốt, được đi đây đi đó khắp nơi. Trong 2 năm làm việc tôi hoàn toàn không có suy nghĩ gì về mục tiêu cá nhân hay phấn đấu lên một chức vụ cao hơn, tôi vui vẻ trong vòng an toàn của mình như vậy. 

Cho đến một ngày…

Ngày tôi nhập viện cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Việt Trì của tỉnh Phú Thọ (khi đó tôi đang công tác tại Việt Trì) trong tình trạng nổi mẩn toàn thân.

Bác sĩ chẩn đoán, tình trạng nổi mẩn dị ứng này của tôi là “tiếng gào thét” của lá gan “mệt mỏi” sau chuỗi ngày đi nhậu triền miên trong suốt 2 năm đi công tác của mình. Tôi phải uống thuốc, điều trị và ăn kiêng trong suốt 3 tháng trời mới có thể hoàn toàn thoát khỏi tình trạng dị ứng này.

Cùng thời điểm đó tôi gặp thêm sự cố bỏng bô xe máy, chân tôi bị kẹp vào trong bô xe máy còn nóng hổi. Bạn bè đồng nghiệp của tôi đã mất gần 1 phút mời gỡ được chân tôi ra khỏi “má trong” của chiếc bô nóng hổi đó. Sự đau đớn và sợ hãi chạy khắp các mạch máu trên người tôi. 

Tôi tiếp tục nhập viện, bôi thuốc và ăn kiêng cùng bắp chân phải bị “lột da” và đau đớn. Đến nay, khi gõ xuống dòng chữ này, cái cảm giác đau cắt da ấy lại nhói lên trong tôi thêm lần nữa. Đến giờ tôi vẫn đang sống chung với một vết sẹo thâm khá lớn, cỡ bằng lòng bàn tay bên chân phải. Cũng may, đó chỉ là một vết sẹo thâm, không phải sẹo lồi gớm ghiếc. Ơn trời!

Thời gian này, tôi đã chi rất nhiều tiền cho viện phí, thuốc men và các thực phẩm bổ sung khác. Hiển nhiên, tôi rơi vào rắc rối tài chính lớn đầu tiên trong đời, nợ nần. Vay nợ bạn bè và đồng nghiệp để chi trả cho 2 sự cố sức khỏe đó cùng 3 tháng dòng dã chiến đấu với dị ứng khiến tôi nhận ra: TÔI KHÔNG HỀ CÓ BẤT CỨ MỘT QUỸ DỰ PHÒNG NÀO CHO BẢN THÂN.

Tệ hơn là tôi không có kế hoạch cho đời mình cũng không thật sự nghiêm túc với cuộc sống của chính mình. Biểu hiện rõ ràng nhất chính là sự “phản kháng” của lá gan với những buổi nhậu đêm kéo dài triền miên.

Tôi một mình nhập viện, không người thân, không bạn bè, đến giờ nhắn tin nhờ đồng nghiệp mua cơm hộp vào viện giúp. Tiền mới lĩnh chưa đầy một tuần đã tiêu hết một nửa. Tiết kiệm chưa bao giờ có trong khái niệm của tôi khi ấy.

Tôi không có một khoản dự phòng nào cho bản thân, dù chỉ là chút ít. Tôi không biết tiền của tôi đi theo những đợt săn sale nào? Tôi không biết tôi kiếm tiền để làm gì ngoài việc bỏ vào những buổi nhậu khuya? Tôi không biết tương lai của mình sẽ như thế nào hay tôi tiếp tục cắm đầu đi làm thuê rồi mang tiền đi trả các hóa đơn? Tôi không biết vì sao mình thường chi tiền vào các mối quan hệ độc hại hơn là dành cho chính cuộc sống của bản thân?…

Các câu hỏi liên tiếp tiến đến, cùng với các sự cố sức khỏe, tiền bạc lần lượt theo đuôi khiến tôi bắt đầu lên Google và tìm kiếm các từ khóa liên quan tới tiền bạc, quản lý tài chính, tài chính cá nhân, mục tiêu cuộc sống, kế hoạch cuộc đời, thói quen tốt thay đổi cuộc sống,…

Và nhờ cái ngã đau điếng ấy, tôi biết đến lúc giai đoạn chuyển tiếp của cuộc đời đến rồi. Đã đến lúc tôi cần KIẾN THIẾT LẠI CUỘC SỐNG của chính mình và thực hiện QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN một cách nghiêm túc.

Ngã ở đâu, đứng lên từ đó, tôi bắt đầu với chỗ đau của bản thân mình.

  • Tôi học cách tiết kiệm trước chi tiêu.
  • Tôi học cách theo dõi từng đồng tiền chi ra
  • Tôi học cách ngồi lại đánh giá bảng chi tiêu hàng tháng của mình
  • Tôi học cách chia nhỏ thu nhập thành các khoản theo các phương pháp đọc được từ trên mạng
  • Tôi học cách rút ra phương pháp quản lý tài chính phù hợp với mình
  • Tôi làm quen với tư duy đầu tư vào bộ não của bản thân nhiều hơn thay vì “phông bạt” váy vóc, đầu tóc.
  • Tôi học cách rời xa các ứng dụng mua sắm online tốn thời gian và đầy lãng phí
  • Tôi học cách mua hàng vì giá trị sử dụng chứ không phải vì giá thành.
  • ….

Tôi đã phát triển từng ngày về IQ tài chính của bản thân, có thể còn chưa xuất sắc và vượt trội nhưng ít nhất thì:

  • Tôi biết hiện tiền của mình chính xác đang đi đâu?
  • Tôi biết trong túi của mình có bao nhiêu tiền?
  • Tôi biết tôi cần tích lũy bao nhiêu?
  • Tôi biết tôi phải tiêu tiền vào cái gì?
  • Tôi biết mình cần học tập, trải nghiệm và rút ra bài học cho riêng mình trong mỗi sự kiện xung quanh cuộc sống của mình.

Thế nhưng, đời vốn không như là mơ, một vài sự kiện khác lại xuất hiện và dạy cho tôi thêm những bài học. Nhưng lần này, chúng “ùa về” liên tiếp để nhắc cho tôi rằng, chỉ biết tích lũy thôi thì chưa đủ, tôi cần phải có một kế hoạch tài chính dài hơi hơn nếu muốn sở hữu cuộc sống tự do và độc lập.

Có 3 sự kiện liên tiếp xảy đến bên đời tôi, làm tôi đặc biệt chú ý bởi chúng đã giúp tôi nhìn ra vấn đề của mình sẽ cản bước tôi tiến tới cuộc sống tự do mà tôi luôn theo đuổi.

Sự kiện đầu tiên diễn ra cách đây hơn 2 năm. Khi đó, tôi đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn. Tôi có một cô bạn thân từ hồi học đại học, tên là Trang. Trang làm việc và sinh sống tại Hà Nội. Mỗi năm tôi và bạn sẽ cùng lên kế hoạch đi du lịch cùng nhau một lần. Trong lần đó, hai đứa đã đặt vé và sắp xếp công việc để đi Măng Đen cùng nhau vào sau đợt nghỉ Tết Dương Lịch vài ngày.

Hai chúng tôi chọn sau ngày đợt Tết, bởi 2 lý do: Lý do thứ nhất, là sẽ không gặp tình trạng quá đông đúc, có thể ảnh hưởng tới trải nghiệm du lịch nghỉ ngơi. Lý do thứ hai, cũng là một lý do quan trọng đó là sau mỗi kỳ lễ thì giá vé máy bay và dịch vụ thuê phòng cũng rẻ hơn hẳn.

Tôi và bạn mình đặt vé khởi hành vào ngày mùng 2 và dự kiến sẽ kéo dài kỳ nghỉ trong 4 ngày. Mọi chuyện sẽ vô cùng tốt đẹp, có lẽ tôi và bạn mình sẽ có một kỳ nghỉ ý nghĩa, vui vẻ và nhiều ảnh chụp check in. Tuy nhiên, vào buổi sáng trước ngày bay hai ngày, Trang không thể tìm thấy chứng minh thư, còn các giấy tờ tùy thân khác cũng đã mất do lần mất ví trước đó không lâu. 

Chúng tôi quyết định hoãn kỳ nghỉ của mình sau khoảng nửa tháng để Trang có thể về quê và làm lại chứng minh thư. Tôi liên hệ với hãng máy bay để đổi lại vé thế nhưng bằng một giọng nói truyền cảm hết sức chuyên nghiệp, nhân viên chăm sóc khách hàng đã thông báo cho tôi, vé của chúng tôi không được hỗ trợ dịch vụ đổi trả. Lý do là vì vé tôi đặt là vé ưu đãi, không giống vé thường hay vé hạng thương gia nên sẽ được hỗ trợ đổi trả theo lịch trình của khách hàng.

Khi đó, tôi nghĩ, giá như mình có tiền mua vé hạng thương gia thì giờ vấn đề có lẽ sẽ được xử lý tốt hơn rồi. Cuối cùng, chúng tôi phải hủy kỳ nghỉ của mình vì không thể đổi được vé máy bay. Tôi nói với Trang rằng, “đây chính là động lực để chúng mình cố gắng kiếm tiền đấy.” Và Trang vô cùng đồng tình với nhận định của tôi. 

Đây chính là sự kiện đầu tiên tác động đến suy nghĩ của tôi về sự chi phối của tiền bạc đối với sự tự do mà tôi hướng tới.

“Tự do đối với tôi là có quyền lựa chọn, độc lập suy nghĩ và ra quyết định.”

Tôi đã từng nghĩ, chỉ cần cuộc sống tự do thoải mái, không cần phô trương, sống theo cách mà mình lựa chọn đã là đủ rồi. Nhưng thật ra, để sống theo cách của mình lựa chọn sẽ còn cần có những nền tảng tài chính tương ứng đi kèm.

Sự kiện thứ 2 diễn ra vào hơn 1 năm về trước, tôi “may mắn” nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự của công ty do ảnh hưởng đến từ đại dịch Covid – 19. Khi đó, tôi đã rất bất ngờ khi thấy tên mình là 1 trong 6 người “được” cắt giảm ở phòng Nhân sự. Bởi tôi từng ung dung nghĩ rằng, vị trí tôi đang làm là một bộ phận quan trọng không thể cắt bỏ, hơn nữa chỉ có một mình tôi đang phụ trách vị trí đó. Lúc ấy, tôi là Chuyên viên đào tạo nội bộ duy nhất của công ty. 

Sự thật thì luôn khiến người ta phải bất ngờ. 

Tôi và các đồng nghiệp được giải thích lý do “được” nằm trong danh sách cắt giảm là vì chúng tôi không còn phù hợp với công ty. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác cay cú khi nghe anh Phó Tổng Giám Đốc phụ trách việc cắt giảm này kết luận rằng: “Công ty của người ta, người ta là chủ, người ta thích giữ ai, thích đuổi ai là quyền của người ta.” Khi đó chúng tôi được gọi riêng để ký vào đơn “thỏa thuận thôi việc” với một mức bồi thường nhỏ.

Sự kiện này một lần nữa nhắc tôi rằng, số phận của mình đang bị phụ thuộc vào sự định đoạt của người khác, đơn giản họ là ông chủ và mình chỉ là người làm thuê. Tôi từng nghĩ rằng, người có năng lực sẽ có quyền lựa chọn, ấy vậy mà không hẳn như thế, ít nhất là quyền lựa chọn ở hay đi khi ấy tại công ty cũng không thuộc về tôi. 

Luật chơi do người làm chủ quyết định, tôi muốn mình là người tạo ra luật chơi, tôi ghét bị sai khiến.

Sự kiện thứ ba diễn ra cũng khoảng nửa năm sau đó, khi đại dịch Covid -19 ở trong trạng thái đỉnh điểm. Sài Gòn, Hà Nội phong tỏa toàn thành phố. Và tôi đang dẫn dắt một đội nhóm là giảng viên đào tạo của công ty đào tạo bán hàng thực chiến.

Dịch bệnh xảy đến, doanh thu sụt giảm, điều đó đồng nghĩa với việc mà cả triệu công ty trên toàn Việt Nam phải thực hiện việc cắt giảm lương của nhân viên.

Khi đó, tôi đang có chuyến công tác ở Hà Nội, và mắc kẹt ở đó suốt 4 tháng trời. Các chi phí bỗng chốc đội lên nhiều hơn so với khi tôi làm việc tại Sài Gòn. Cũng may khi đó tôi còn có bạn Trang cưu mang, cho ở nhờ. Nếu không tôi thật sự không biết sẽ xoay sở ra sao với 50% số lương trên hợp đồng nhưng với lượng công việc tăng gấp rưỡi. 

Tin nhắn từ khách hàng, học viên, đội ngũ và các cuộc họp công ty diễn ra liên tục. Thậm chí có những đêm 12 giờ tôi phải mò dậy làm vội một “chiếc” slide để sếp gửi cho khách hàng. Có những buổi tối tổ chức workshop dành cho khách hàng đến tận khuya và những ngày ôm máy tính hơn 10 tiếng trong các phòng họp Zoom đến mụ mị hết cả đầu.

Thú thực, khi đó tôi cảm thấy chán ghét công việc ấy vô cùng. Có những đêm tôi sợ hãi công việc đến độ chuyển điện thoại về chế độ máy bay để có thể ngủ yên một giấc tới sáng.

Chúng tôi làm việc nhiều hơn, tăng ca nhiều hơn nhưng mức thu nhập nhận về chỉ là 50% so với trước đó. Điều này thật sự cũng khó trách công ty, bởi doanh thu không có thì cũng chẳng thể làm gì khác được. Chúng tôi cố gắng động viên nhau rằng ít nhất chúng tôi không thất nghiệp vào lúc này. Tất cả chúng tôi đều cố gắng giữ công việc này để ít nhất còn có tiền mà sống qua ngày. 

Khi đó, đúng nghĩa tôi làm việc VÌ TIỀN, chịu đựng sự khó chịu, mệt mỏi, chán ghét VÌ TIỀN.

Tôi tự hỏi bản thân, “Nếu như đại dịch này cứ thế kéo dài đến 2 – 3 năm nữa, liệu mình vẫn xoay sở được với mức lương như vậy và bằng lòng với cuộc sống mệt mỏi kia không?”

Tôi nhận ra rằng, tôi sẽ không có được cuộc sống tự do trong mơ nếu như vấn đề tài chính luôn là yếu tố kìm chân trong mọi quyết định của mình. Tôi cần tìm giải pháp cho vấn đề tài chính cá nhân của bản thân.

Cuộc sống trong mơ của tôi là có một cuộc sống tự do. Đây là kết quả dưới sự kết hợp của cái “không muốn” và “muốn” trong tôi.

  • Tôi không muốn phải làm việc đầu tắt mặt tối suốt đời. 
  • Tôi không muốn phải làm một nhân viên suốt đời. 
  • Tôi không muốn bị sai khiến suốt đời
  • Tôi không muốn mẹ tôi luôn phải vất vả suốt đời. 
  • Tôi không muốn số phận của mình được quyết định bởi bất cứ ai. 
  • Tôi không muốn chạy theo chân tiền bạc, trở thành nô lệ của chúng và gò ép bản thân.

Thứ tôi thật sự muốn:

  • Tôi muốn khám phá thế giới, những vùng đất mới, những con người mới, những lối sống mới,…
  • Tôi muốn có thể làm được như thế khi mình còn trẻ và độc thân. Đơn giản tôi muốn được sự tự do ấy. 
  • Tôi muốn quản lý thời gian và cuộc sống của chính mình. 
  • Tôi muốn tiền bạc phải phục vụ và làm việc cho tôi.
  • Tôi muốn cuộc sống của tôi không còn bị tiền bạc chi phối.
  • Tôi muốn được làm những công việc mình thích, cho dù không cần nhận lại một đồng nào.

Tôi đã HÀNH ĐỘNG…

Tôi đã quyết định nghỉ công việc mà tôi chán ghét kia bằng lá đơn thôi việc. Đó là thời kỳ đỉnh điểm của tâm dịch Covid – 19, khi mà người người, nhà nhà đều cố giữ cho bằng được công việc ổn định hoặc duy trì mọi nguồn thu nhập có thể cho mình. Thế nhưng tất cả những bó buộc từng ghìm chân một cô gái yêu thích sự tự do và tận hưởng từng phút giây của cuộc sống như tôi đã vượt lên tất cả.

Tôi bắt đầu cuộc sống “không ổn định” trong mắt tất cả mọi người xung quanh, bạn bè, gia đình, đồng nghiệp.

Vấn đề đặt ra ngay trước mắt, tôi sẽ sống những ngày tiếp theo của mình như thế nào? Tài khoản tiết kiệm của tôi khi ấy chỉ đủ để sống tiếp 4 tháng không thu nhập mới mà thôi. 

Tiền đâu để sống? Sự tự do mà tôi theo đuổi không phải việc đánh đổi bằng cuộc sống kham khổ và nghèo nàn. Tự do mà tôi theo đuổi không có nghĩa là làm tất cả những gì mình muốn mà là có quyền tự chủ trong mọi việc. Tôi hiểu rất rõ, cách nhanh nhất giúp phụ nữ có được tự do đó là độc lập về tài chính.

Bởi vậy, tôi đã bắt đầu lại từ bức tranh tài chính của bản thân và xoay chuyển nó theo một hướng tích cực hơn. TÔI BẮT ĐẦU KIẾN THIẾT CUỘC SỐNG MỚI CỦA MÌNH LẦN NỮA.

Và, sau khi nhìn lại hành trình của mình, tôi nhận ra tôi đã học được thêm rất nhiều điều mới:

  • Tôi đã biết xác định mục tiêu tài chính và lập kế hoạch dài hạn cho bản thân.
  • Tôi biết để xây dựng nền móng tài chính vững chắc tôi cần sở hữu những nguồn thu nhập như thế nào?
  • Tôi biết để thực hiện những giấc mơ còn đang tạm gác của mình tôi cần làm gì với tài chính cá nhân của mình?
  • Tôi biết được mình nên tích lũy những loại tài sản nào cho bản thân?
  • Tôi biết mình cần xây dựng những cỗ máy kiếm tiền thụ động như thế nào?
  • Tôi biết làm sao để tôi có thể tiến gần hơn với mục tiêu tự do tài chính của bản thân?
  • Quan trọng nhất, tôi biết mình cần chia sẻ những trải nghiệm thực tế của mình bao gồm thành công, vấp ngã, bài học và mang nguồn cảm hứng đến cho những người phụ nữ xung quanh mình về quản lý tài chính cá nhân, giúp họ kiến thiết lại cuộc sống trong mơ của chính mình. Và đó cũng là động lực lớn nhất khiến tôi hoàn thành cuốn sách này. 

Bạn có muốn kiến thiết lại cuộc sống của mình không? 

Tại cuốn sách này, tôi sẽ chỉ cho bạn cách để làm việc đó thông qua các hoạt động trong quản lý tài chính cá nhân, cụ thể hơn là giúp bạn biết cách giữ tiền thông minh để có đồng tiền tích cực.

Giờ bạn đã sẵn sàng để tìm hiểu Quản lý tài chính cá nhân là gì chưa? Chúng ta cùng bắt đầu nhé!